0
Blog

14 Tháng Chín, 2022

Server là gì? Phân loại chức năng của các loại máy chủ phổ biến

Máy chủ đóng vai trò quan trọng trên môi trường Internet, tuy nhiên vẫn chưa nhiều người dùng hiểu được máy chủ server là gì? Bên cạnh đó, có rất nhiều loại máy chủ với các chức năng, ưu và nhược điểm khác nhau, khiến người dùng cũng thêm phần rối rắm. Bài viết dưới đây của Mona Host sẽ giúp bạn hiểu thêm về khái niệm server là gì cùng những thông tin liên quan đến server.

Server là gì?

Server, hay máy chủ, là một chương trình hoặc thiết bị điện tử có chức năng cung cấp dịch vụ cho một hay nhiều máy tính khác (được gọi là máy khách – client).

Trong khoa học máy tính, có những server không thể nhìn bằng mắt thường bởi chúng là những chương trình nằm trong máy tính với những nhiệm vụ cụ thể.

Tuy nhiên khi nói tới server, hầu hết mọi người đang đề cập đến các máy tính chạy một hệ điều hành/phần mềm máy chủ, có chức năng quản trị những thiết bị khác hoặc khả năng vận hành một phần mềm, chương trình nào đó.

Máy chủ có thể là một thực thể vật lý như hình ảnh những cụm máy tính khổng lồ với chằng chịt những dây cáp, phụ kiện. Loại server vật lý này thường được bảo quản và vận hành trong môi trường an toàn với máy chủ, cụ thể là các trung tâm dữ liệu (data center).

Bên cạnh đó, máy chủ còn có thể là một thiết bị ảo được hình dung bằng các thông số cấu hình, tài khoản, và phần mềm quản lý. Loại server này được truy cập thông qua một website và có thể cấu hình, tùy chỉnh ngay trên đó.

Máy chủ khác gì với máy tính cá nhân (PC)

Để hiểu được tại sao một máy chủ lại đắt gấp nhiều lần một chiếc PC, chúng ta cần xem xét sự khác biệt của chúng.

Cách máy chủ hoạt động

Như đã nói, đặc trưng của các server chính là phải được cài đặt một hệ điều hành hoặc một phần mềm máy chủ.

Nếu không có 2 chương trình này thì máy chủ chỉ là một máy tính thông thường mà thôi. Nó sẽ không thể thực hiện được các tác vụ của mình, đặc biệt là không thể điều khiển, quản lý các máy khách.

Hệ điều hành của máy chủ cũng là phần mềm dành riêng cho các loại server, có khả năng thực hiện nhiệm vụ của máy chủ: tác vụ số lượng lớn, tối ưu kết nối và quản lý các thiết bị, thực thi ứng dụng, phần mềm phức tạp, vĩ mô…

Hầu hết các máy tính cá nhân hiện nay đều đang chạy một trong 3 loại hệ điều hành là Windows, MacOS, và các bản phân phối Linux thông dụng. Trong khi đó, các máy chủ thường sử dụng Windows Server hoặc một bản phân phối Linux được thiết kế dành riêng cho máy chủ.

Ngoài việc hỗ trợ các tác vụ, công cụ mà HĐH desktop không làm được, HĐH cho máy chủ lược bỏ những tính năng dư thừa như multimedia, theming, hay gaming.

Kết nối

Cách các server sẻ kết nối với client thay đổi tùy theo loại máy chủ: ở gần hay ở xa.

Các máy chủ vật lý thuộc sở hữu của một công ty, một quán net,… được đặt gần những máy tính trong công ty đó. Do đó, chúng có thể kết nối với nhau qua mạng cục bộ (local access network) bằng các dây cáp truyền tín hiệu LAN.

Trong khi đó, các máy chủ ở xa không thể kết nối trực tiếp với client, ví dụ như: máy chủ đặt trong data center, máy chủ ảo, máy chủ đám mây,… Chúng sẽ phải tận dụng đường truyền kết nối internet để truyền thông tin hoặc quản lý các máy khách của mình.

Các máy tính cá nhân cũng có những cổng kết nối này, sự khác biệt chính là số lượng. Một máy chủ có thể điều khiển hàng chục, thậm chí hàng trăm máy khách cùng một lúc. Do đó, server sở hữu nhiều cổng kết nối hơn và có thể hỗ trợ số lượng kết nối khổng lồ.

Bên cạnh đó, máy chủ thể được cắm thêm nhiều phụ kiện và thiết bị hỗ trợ khác, đặc biệt là các nguồn điện hỗ trợ do yêu cầu năng lượng cao ngất của mình.

Cấu hình

Có thể nói ngắn gọn rằng cấu hình của máy chủ mạnh hơn máy tính cá nhân, tuy nhiên thực tế là chúng cũng khác nhau về định hướng.

Nhiệm vụ của máy chủ là xử lý số lượng lớn yêu cầu truy xuất thông tin và những tác vụ đặc thù lặp đi lặp lại. PC, ngược lại, lại thiên về các tác vụ cơ bản như văn phòng, giải trí, chơi game,…

Ngoài ra, máy chủ cũng cần bộ nhớ RAM lớn để xử lý nhiều thông tin hơn, dung lượng ổ cứng lớn hơn để lưu trữ các cơ sở dữ liệu khổng lồ.

Ổ cứng của máy chủ thường nằm ở ngoài thân máy và cắm vào những giá riêng với số lượng có thể lên đến hàng trăm cái, tương đương hàng trăm TB dữ liệu.

Các loại máy chủ

Trong khoa học máy tính, có rất nhiều loại máy chủ khác nhau, chẳng hạn như:

  • Web server (máy chủ web): một chương trình cung cấp các tệp tin HTML, client của nó chính là các trình duyệt web (web browser).
  • Application server (máy chủ ứng dụng): thuật ngữ chỉ các developer mới hiểu; chương trình tạo ra các ứng dụng web và môi trường để chạy chúng.
  • Mail server (máy chủ mail): máy chủ có chức năng gửi và nhận các email
  • Hosting server (máy chủ hosting): chạy và vận hành các website.

Hosting server là loại máy chủ được biến đến nhiều nhất và cũng là mục tiêu được đề cập tới trong bài viết này.

Phân loại hosting server

Dedicated server

Dedicated server là một máy chủ vật lý riêng mà doanh nghiệp sở hữu để hosting website hoặc chạy phần mềm hệ thống của chính mình.

Server riêng là hình thức vận hành máy chủ thủ công và truyền thống, thường được áp dụng bởi những doanh nghiệp lớn, có đội ngũ IT chuyên môn và nhiều kinh nghiệm.

Ưu điểm

  • Toàn quyền quản lý: Bạn có toàn quyền sở hữu và quyết định đối với một dedicated server: cấu hình như thế nào, chạy hệ điều hành gì, sử dụng phần mềm và công cụ gì, v.v.
  • Bảo mật dữ liệu: Việc sở hữu máy chủ cũng giúp nâng cao tính bảo mật cho cơ sở dữ liệu, tệp tin hệ thống. Chỉ nhân viên của công ty mới có quyền truy cập vào cơ sở dữ liệu và mỗi truy xuất thông tin đều được ghi nhận rõ ràng, chi tiết.
  • Tận dụng toàn bộ tài nguyên máy chủ: Vì là server riêng không cần phải chia sẻ với ai, bạn được sử dụng tối đa cấu hình của máy chủ của mình, giúp giải quyết vấn đề khi nhu cầu sử dụng tài nguyên tăng đột ngột.

Nhược điểm

  • Chi phí đắt đỏ: Chi phí cần phải bỏ ra không chỉ dành cho chiếc máy chủ mà còn phải bao hàm các trang thiết bị hỗ trợ, phòng ốc và môi trường hoạt động an toàn, cũng như quá trình vận hành, bảo dưỡng dedicated server.
  • Nhân lực: Một đội ngũ IT có chuyên môn cao và kinh nghiệm quản lý máy chủ cũng là một điều kiện quan trọng. Nhiệm vụ của họ là bảo đảm hoạt động server diễn ra suôn sẻ, tránh ảnh hưởng tới website cũng như công việc kinh doanh của công ty.

Shared hosting

Với shared hosting, máy chủ thực sự thuộc quyền sở hữu của nhà cung cấp dịch vụ, còn bạn là người thuê một phần tài nguyên của máy chủ đó để hosting trang web của mình.

Shared hosting server là hình thức được áp dụng rộng rãi từ những người mới bắt đầu làm website hoặc những doanh nghiệp nhỏ, mới khởi động kinh doanh.

Ưu điểm

  • Tiết kiệm: Trong tất cả các loại server thì shared hosting là tích cực nhất đối với túi tiền của bạn. Bạn chỉ cần trả một phần nhỏ số tiền đáng lẽ phải chi để mua máy chủ riêng và một phần chi phí thuê server mà thôi.
  • Không cần duy trì: Việc vận hành và bảo quản máy chủ sẽ được lo liệu bởi nhà cung cấp dịch vụ. Hầu hết họ đều là những chuyên gia IT nên bạn không cần lo lắng về sự ổn định hoạt động server, thay vào đó chỉ cần gắn website của mình vào là được.

Nhược điểm

  • Giới hạn tài nguyên: Bạn phải chia sẻ bớt tài nguyên cho những người khác cùng server. Có thể mở rộng gói dịch vụ nhưng nhìn chung sẽ khá phiền phức nếu như nhu cầu của website, do phát triển, tăng lên một cách thường xuyên. Nếu đột ngột có một lượng lớn truy cập vào trang có thể vượt quá giới hạn băng thông hay CPU, khiến server quá tải.
  • Dễ bị vạ lây: Một máy chủ chung khiến bạn dễ bị vạ lây do các hành động tiêu cực của những người dùng khác, như: virus, hack, vi phạm quy định khiến địa chỉ IP bị chặn,…
  • Bảo mật và an toàn kém: Do phải chia sẻ một server với những người khác, dữ liệu của bạn tiềm ẩn một nguy cơ bị xâm phạm. Đôi khi, một sơ suất xảy ra từ người dùng khác khiến cả hệ thống bị hư hỏng và dữ liệu của bạn cũng bị ảnh hưởng.
  • Ít tùy chỉnh: Bạn không được quyền tự quyết 100% đối với server của mình.Một số nhà cung cấp dịch vụ có thể đưa ra một danh sách những phần mềm, ứng dụng không được cho phép cài lên server. Bạn phải tuân thủ điều đó nếu muốn được sử dụng dịch vụ của họ.

VPS hosting

VPS hosting, hay virtual personal server hosting, là một máy chủ ảo được dùng để hosting các website. Đây là một hình thức kết hợp giữa shared hosting và dedicated server hosting, dung hòa cả lợi và hại điểm của cả 2 phương pháp trên.

Thực chất, VPS là một máy chủ vật lý được chịu trách nhiệm bởi nhà cung cấp như shared hosting, nhưng được chia nhỏ thành các máy chủ riêng biệt dành cho người dùng bằng công nghệ virtual server.

Từ đó, VPS hoạt động như các máy chủ độc lập, mọi thiết lập hay vấn đề xảy ra với nó đều không ảnh hưởng đến những phần còn lại của máy chủ vật lý.

VPS đang là xu hướng, là lựa chọn được yêu thích nhất của rất nhiều doanh nghiệp và cá nhân trên Internet bởi vì nó gần như là hoàn hảo.

Ưu điểm

  • Sở hữu toàn diện: Giống dedicated server, bạn thực sự sở hữu máy chủ VPS của mình, được phép thực hiện mọi thay đổi, tùy chỉnh theo ý thích. Bạn có thể chạy những hệ điều hành tự chọn, tùy biến giao diện website, hoặc cài đặt các công cụ khác,… mà không cần thông qua nhà cung cấp dịch vụ.
  • Bảo mật tốt: So với shared hosting, hoạt động của VPS được sandbox (hộp cát), tức không thể ảnh hưởng lên môi trường bên ngoài nó và ngược lại. Do đó, tính bảo mật được nâng cấp, rủi ro dữ liệu bị hack hay tác động từ người dùng khác trong cùng hệ thống là rất thấp.

Nhược điểm

  • Tốn kém hơn shared hosting: Với những nâng cấp của mình, VPS hẳn nhiên đắt hơn shared hosting một khoản không nhỏ. Tuy nhiên, nó vẫn chưa thấm vào đâu so với chi phí cần thiết cho một dedicated server.
  • Vẫn bị bó buộc bởi tài nguyên: VPS vẫn là một phần tài nguyên nằm trên một máy chủ vật lý được chia ra cho nhiều người dùng. Do đó, sự bất tiện về giới hạn tài nguyên vẫn còn đó, và bạn cần nâng cấp gói dịch vụ của mình mỗi khi nhu cầu của website tăng cao.

Cloud server

Cuối cùng, một trong những loại máy chủ phổ biến nhất hiện nay là cloud server hosting.

Thuật ngữ cloud dùng để chỉnh mạng máy tính khổng lồ kết nối hàng trăm thiết bị lại với nhau. Các máy tính này tính toán, xử lý thông tin, và hoạt động đồng bộ với nhau như thể mỗi một trong số chúng chỉ là những bóng bán dẫn của một chiếc vi xử lý máy tính vậy.

Do đó, có thể nói cloud server chính là một dedicated server khổng lồ nhưng lại hiện diện “ảo” trên mạng internet.

Ưu điểm

  • Quyền quản lý toàn diện, an toàn, và bảo mật: Tương tự với dedicated server và VPS, bạn được toàn quyền tùy biến máy chủ đám mây của mình. Cơ sở dữ liệu của bạn cũng có tính an toàn và bảo mật cao hơn vì hoạt động hoàn toàn độc lập với những người dùng khác, cũng như giảm thiểu nguy cơ từ môi trường như quá nhiệt hay môi trường ẩm ướt,…
  • Không có giới hạn tài nguyên: Đặc điểm khiến cloud computing là một xu hướng không thể thay đổi trong tương lai chính là khả năng mở rộng vô hạn. Khi bạn cần nhiều tài nguyên hơn, bạn chỉ cần nâng cấp gói dịch vụ, còn nhà cung cấp đơn giản là đưa thêm nhiều máy tính vào hệ thống đám mây của họ.
  • Trả tiền theo nhu cầu: Bạn chỉ cần mua gói dịch vụ cung cấp đủ tài nguyên hệ thống theo nhu cầu hiện tại của website, khi cần thêm thì có thể nâng cấp. Điều này vô cùng hữu ích đối với những doanh nghiệp nhỏ và vừa, giúp họ tiết kiệm chi phí nhưng vẫn không lo cạn kiệt tài nguyên khi website phát triển quá nhanh chóng.

Nhược điểm

  • Phụ thuộc internet: Tất cả hoạt động của cloud server hosting đều cần đường truyền kết nối internet. Nếu có bất kỳ gián đoạn nào xảy ra, hoạt động của server và website của bạn cũng sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
  • Phụ thuộc vào nhà cung cấp dịch vụ: Không như dedicated server, cloud server vẫn là một dịch vụ được cung cấp bởi một doanh nghiệp bên thứ 3. Do đó, bạn cũng cần tuân thủ những quy định do họ đặt ra.

Trên đây là giải thích server là gì và phân loại chức năng của các loại máy chủ phổ biến nhất hiện nay. Điều quan trọng là bạn phải biết nhu cầu của mình hiện đang là gì và ngân sách có thể chi trả là bao nhiêu để đưa ra được lựa chọn phù hợp nhất.

Bài viết liên quan

Dịch vụ thiết kế
website chuyên nghiệp

Sở hữu website với giao diện đẹp, độc quyền 100%, bảo hành trọn đời với khả năng
mở rộng tính năng linh hoạt theo sự phát triển doanh nghiệp ngay hôm nay!

Liên hệ Mona
Giỏ hàng của bạn

Giỏ hàng trống!